MIMI HÓA THẦN CÙNG "SƠN HẢI HỮU MINH"

Đăng bởi Dương Anh Khoa vào lúc 13/05/2024

MiMi, chú "rồng con” nhà Heyone, vốn đã quen thuộc với những người chơi art toy qua những series đậm chất cổ trang và giả tưởng. Lần này cũng không ngoại lệ, MiMi đã trở lại với một chủ đề vốn rất quen thuộc trong văn hóa Trung Hoa: các nhân vật thần thoại. Nào, cùng khám phá thế giới thần tiên của Trung Hoa cổ xưa cùng MiMi trong series "Sơn hải hữu minh” (Trên núi dưới biển đều có Thần) này nhé!
 


Bắc Hải huyền minh
 

"Huyền minh”, âm cổ là "Huyền vũ”, chính là linh vật cai quản phương Bắc trong thần thoại Trung Hoa. Mang hình dáng một con rùa đen có một con rắn khổng lồ quấn ngang lưng, Huyền Minh còn được phong là thủy thần, tượng trưng cho sự trường sinh bất lão.

Bỉ dực điểu


"Bỉ dực điểu”, nghĩa là chim liền cánh, hay còn có tên gọi là man man. Loài chim này sống trên núi Sùng Ngô, hình thù giống vịt trời, nhưng mỗi con chỉ có một bên cánh và một bên mắt, nên chỉ khi hai con man man kết hợp với nhau mới bay lên được.. Loài chim này xuất hiện ở đâu thì nơi đó sẽ có lũ lớn.

Tinh vệ

 

Lên phía bắc hai trăm dặm là núi Phát Cưu, trên núi đó có loài chim hình dạng như quạ, đầu có lông vân, chân đỏ mỏ trắng, tên là tinh vệ, tiếng nó kêu như tự gọi tên mình. Chim này vốn là con gái út của Viêm Đế tên là Nữ Oa, đi bơi ở biển Đông rồi chết đuối không thể trở về, nên hóa thành chim tinh vệ, thường tha gỗ đá về mong lấp được biển Đông.

 

 

Phán quan

Phán quan là một nhân vật quan trọng tại Diêm phủ, giúp Diêm Vương trong việc ra phán quyết linh hồn người chết. Trong văn hóa Trung Hoa, văn phán quan được mô tả có mặt trắng, mặc quan phục, tay phải cầm bút lông, tay trái cầm sổ sinh tử. Ngòi bút của phán quan rất công bằng và chân thực, phán quyết đúng người, đúng tội.

 

Hỏa thần Chúc Dung

 

Chúc Dung bản danh là Trọng Lê, xưng hào Xích Đế, người đời sau tôn là Thần Lửa. Có thuyết nói, Chúc Dung là một trong tam hoàng ngũ đế thời thượng cổ. Trong “Sơn Hải Kinh” có ghi chép: “Chúc Dung ở phương Nam, mặt người thân thú, cưỡi hai con rồng”.

 

Hiên Viên thị
 

Nước Hiên Viên ở giáp ranh núi Cùng Sơn, phía bắc nước Nữ Tử. Người nước đó sống không thọ cũng đến tám trăm tuổi. Người nước Hiên Viên đều mặt người mình rắn, đuôi quấn vòng lên đầu.

 

Một điều đặc biệt nữa là trong thiết kế này, trên tay MiMi còn cầm thanh Thất Tinh Long Uyên kiếm, một trong "Thạp đại danh kiếm” Trung Hoa, theo truyền thuyết là do hai vị đại kiếm sư là Âu Dã Tử và Can Tương đúc thành. Để đúc thanh kiếm này, hai vị kiếm sư đã đục Tì Sơn, để dòng suối từ trong núi chảy ra, chảy đến bên lò đúc kiếm thành 7 cái ao theo thế 7 ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu, nên gọi là là “Thất Tinh”. Sau khi kiếm thành, cúi trông thân kiếm, như lên núi cao mà nhìn xuống vực sâu, lúc ẩn lúc hiện, phảng phất có con rồng lớn cuộn nằm, nên gọi là “Long Uyên”.

 


Chúc Âm
 

Chúc Âm hay còn gọi là Chúc Long có hình tượng mặt người thân rắn, màu đỏ thẫm, thân cao ngàn dặm, mở mắt ra là ban ngày, nhắm mắt lại thì là ban đêm, hít vào là mùa đông, thở ra là mùa hè, có thể hô mưa gọi gió, không ăn uống, không ngủ cũng không nghỉ ngơi, là một trong những thần Sáng Thế Trung Quốc thượng cổ. Chúc Âm cư trú trên núi Chương Vĩ phía bắc sông Xích bên ngoài biển tây bắc, còn được xem là biểu tượng của cực quang.

 


Bất tử thụ

Cây bất tử dù không đâm chồi nảy lộc, nhưng cũng không thối nát mục rữa. Dưới tán cây thần, vô số mùa xuân đã trôi qua.

Bạch Trạch

Bạch Trạch là một loài linh vật không chỉ xuất hiện trong thần thoại Trung Hoa mà còn xuất hiện trong cả thần thoại Đông Á nói chung. Bạch Trạch sống trên núi Côn Luân, thường được miêu tả như một con sư tử khổng lồ, có một hoặc hai sừng trên đầu, ngoài hai mắt chính còn có các mắt phụ nằm dọc theo hai bên thân mình. Bạch Trạch được người xưa coi là linh thú của sự cát tường, chỉ những người xuất chúng có khả năng xoay chuyển thiên hạ mới có cơ hội gặp Bạch Trạch (thường là các vị Vua). 

Truyền thuyết kể rằng, trong một lần Hoàng Đế đi vi hành về phương đông, ông đã bắt gặp Bạch Trạch. Ở đây Bạch Trạch đã chia sẻ cho Hoàng Đế về đặc tính, thông tin của 11.520 loài quái vật và linh thú trong tự nhiên và song song là cả việc chống sự quẫy nhiễu và xâm hại của chúng. Sau đó những chỉ dẫn kia được ghi chép lại vào một quyển sách có tên là “Bạch Trạch Đồ”, đáng tiếc là qua thời gian cuốn cổ thư đó đã bị thất truyền.

 


Tuyết thần Đằng Lục

Sách "Ấu học Quỳnh Lâm” có chép: Người đời gọi Thần Mây là Phong Long, Thần Tuyết là Đằng Lục. Vậy từ đâu mà thần tuyết có tên này? "Mạnh Tử ngoại thư” chép rằng: thời nhà Chu, có nước chư hầu nhỏ ở phương đông có vua Đằng Văn Công rất nổi tiếng. Khi ông qua đời, một trận tuyết lớn ập đến khiến tang lễ không tổ chức được, người đời nói là do Đằng Văn Công còn muốn ở lại một thời gain để an ủi xã tắc nên khiến tuyết rơi dày đặc, từ đó mọi người nghĩ rằng ông có quan hệ với thần tuyết. Bên cạnh đó hoa tuyết còn được gọi là "lục xuất” (sáu cánh), từ đó thần tuyết có tên là Đằng Lục. 

 


Noãn sanh chi quốc

Mẫu MiMi bí ẩn của series này chính là "Vùng đất của những người sinh ra từ trứng”. Trong truyền thuyết Trung Hoa, thời viễn cổ trước khi có đất trời, vũ trụ là một khối hỗn mang trông như một quả trứng, từ đó Bàn Cổ ra đời, rồi hóa thân thành thế giới tươi đẹp như hiện nay.

 

Vậy đâu là "vị thần” mà bạn thích nhất từ series MiMi lần này? Cùng khám phá từ trong các hộp mù và chia sẻ với tụi mình nha!

Bạn đang xem: MIMI HÓA THẦN CÙNG "SƠN HẢI HỮU MINH"
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: